Điều các doanh nghiệp du lịch và nhiều chuyên gia trông chờ ở Đề án tái cơ cấu ngành du lịch là giải quyết được điểm nghẽn nội tại, là cơ sở thực sự cho ngành du lịch phát triển.
Cần cách tiếp cận khoa học
Đề án Tái cơ cấu ngành du lịch đang được Tổng cục Du lịch xây dựng bao gồm các nội dung: cơ cấu lại nguồn lực, vốn đầu tư phát triển, điều chỉnh hướng phát triển sản phẩm, điều chỉnh định hướng thị trường, cơ cấu lại doanh nghiệp, nguồn nhân lực, tổ chức và quản lý ngành du lịch.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, mục tiêu của Đề án là đưa ngành du lịch đóng góp 10% GDP vào năm 2025 và 12% vào năm 2030; nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì tăng trưởng ở mức cao; thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
Tái cơ cấu ngành du lịch là lộ trình dài, nên cần đưa ra mục tiêu ngắn, trung và dài hạn.Trong ảnh: Du khách tham gia tour du lịch sông nước Bến Tre. |
Tuy nhiên, PGS - TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thẳng thắn cho rằng, Đề án quá ôm đồm về nội dung.
Ông Lương phân tích, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Kinh tế mũi nhọn được quyết định bởi 3 yếu tố: đóng góp ít nhất 7-10% GDP, tạo ra nhiều việc làm và có tính lan tỏa. Như vậy, 3 tiêu chí này cần được đặt làm cơ sở khi xây dựng Đề án.
“Yếu tố tạo ra nhiều việc làm liên quan tới câu chuyện đào tạo nhân sự; tính lan tỏa liên quan tới liên kết ngành, vì bản chất của du lịch có tính liên kết rất cao; còn đối với mục tiêu đóng góp 7 - 10% GDP, cần phải nhìn nhận lại hướng phát triển từ trước tới nay để cơ cấu lại sản phẩm du lịch, gắn với thị trường. Như vậy, tái cơ cấu cần có cách tiếp cận hết sức cụ thể và khoa học”, ông Lương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng lưu ý, tái cơ cấu ngành du lịch là lộ trình dài, nên cần đưa ra mục tiêu ngắn, trung và dài hạn; đồng thời, phải đặt trong bối cảnh hội nhập, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu.
Ưu tiên giải quyết điểm nghẽn
Nhìn vào con số tăng trưởng khách du lịch những năm qua, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel tỏ ra không mấy vui, vì mặc dù lượng khách quốc tế vào Việt Nam liên tục tăng, nhưng mức chi tiêu trung bình của du khách lại có xu hướng giảm.
Yếu tố tạo ra nhiều việc làm liên quan tới câu chuyện đào tạo nhân sự; tính lan tỏa liên quan tới liên kết ngành, vì bản chất của du lịch có tính liên kết rất cao. |
Theo kết quả điều tra gần đây nhất của Tổng cục Du lịch (năm 2014), chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là 1.114,4 USD/chuyến, thấp hơn so với năm 2004 (1.283,3 USD/người/chuyến) và 125 USD/ngày, thấp hơn so với chi tiêu của khách du lịch quốc tế đến một số nước trong khu vực như Thái Lan (150 USD/ngày).
Trong khi đó, thị trường khách quốc tế đang cho thấy sự mất cân đối. Cụ thể, thị trường Đông Bắc Á chiếm tới 55% và Đông Nam Á chiếm 16%, riêng khách Trung Quốc đã chiếm hơn 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Cùng với đó là thực tế, quy hoạch chưa tốt dẫn tới việc các doanh nghiệp tập trung đầu tư ồ ạt vào một điểm đến đang nổi nào đó, dẫn đến phá vỡ tổng thể quy hoạch du lịch của điểm đến, gây ra tác dụng ngược là giá trị gia tăng nhưng chuỗi giá trị du lịch không tăng như kì vọng.
Do đó, điều ông Kỳ đặt kỳ vọng là Đề án có thể giải quyết thực tế này thông qua những chính sách nhất quán và dự báo được xu thế trong dài hạn khi quy hoạch phát triển du lịch.
Cũng liên quan tới quy hoạch, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines cho rằng, cần khuyến khích xã hội hóa đầu tư, quản lý, vận hành sân bay như quy hoạch các sân bay nhỏ do tư nhân, địa phương đầu tư thông qua chủ trương “mở cửa bầu trời”, tự do hóa vận tải hàng không hay nới “trần” sở hữu nước ngoài lên 49%...
“Nếu không mở về hàng không thì du lịch không thể phát triển được”, ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đề xuất mở cửa hàng không, Phó tổng giám đốc Vietstar Airlines đề xuất, cần “cởi mở” hơn trong quy định về cấp visa để thu hút khách du lịch, kèm theo ví dụ về trường hợp Thái Lan đã miễn visa du lịch cho người Mỹ (mặc dù Mỹ chưa thực hiện miễn cho visa cho khách du lịch Thái Lan).
Trong khi đó, nhìn vào tổng nhu cầu đầu tư vào du lịch của “Quy hoạch tổng thể Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó tổng giám đốc FLC đề xuất, cơ chế “xin - cho” cần phải được thay bằng cơ chế hỗ trợ trực tiếp tới doanh nghiệp.
Theo đó, các chính sách cần phải xây dựng theo hướng thông thoáng, đơn giản hoá các thủ tục; đồng thời, nâng cao tính minh bạch, công khai về chủ trương, chính sách, làm cơ sở cho các nhà đầu tư yên tâm khi quyết định đầu tư.
Trước thực trạng, nhiều công ty lữ hành chỉ chú trọng khai thác các tour du lịch cho khách Việt Nam ra nước ngoài, chưa chú trọng đúng mức tới việc thu hút khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam, một doanh nghiệp du lịch đề xuất, ngành du lịch cần đa dạng hóa phương thức xúc tiến du lịch theo mục tiêu cụ thể và đo lường được.
“Hàn Quốc là ví dụ điển hình, họ đang xúc tiến du lịch bằng cách kéo các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam trải nghiệm du lịch và bán sản phẩm cho họ”, đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.
Trần Hà / baodautu